preload

Chiến lược xây dựng thương hiệu cá nhân cho CEO và quản lý cấp cao

27/04/2024

- Blog
7,515 lượt xem

Việc xây dựng thương hiệu cá nhân cho CEO là một quy trình phức tạp và đòi hỏi sự đầu tư nghiêm túc. Bài viết này sẽ trình bày những nội dung quan trọng bạn cần quan tâm trước khi bắt tay vào một hành trình xây dựng thương hiệu dài hơi

Trong thời đại công nghệ phát triển như hiện nay, CEO không chỉ là một danh xưng mà còn giữ vai trong hình ảnh đại diện cho thương hiệu, thể hiện giá trị, tầm nhìn và sự tận tâm của người lãnh đạo. Việc xây dựng thương hiệu cá nhân cho CEO là một quy trình phức tạp và đòi hỏi sự đầu tư nghiêm túc. Khi thực hiện đúng cách, nó có thể giúp CEO định hình được vị trí, tầm ảnh hưởng trong ngành của mình và mang lại nhiều lợi ích đáng kể cho doanh nghiệp.

1. Xu hướng xây dựng thương hiệu cá nhân của CEO 

Xây dựng thương hiệu cá nhân của CEO là việc tận dụng tiềm năng to lớn của các nền tảng mạng xã hội và các kênh truyền thông để giúp gia tăng sự hiện diện cá nhân CEO và hình ảnh công ty trên môi trường số. Mục tiêu là thu hút sự quan tâm và biến nó thành tình yêu đối với thương hiệu.

Ở thời điểm hiện tại, xây dựng thương hiệu cá nhân đang trở thành một xu hướng phổ biến và gần như đã là một hoạt động không thể thiếu của mọi chủ doanh nghiệp ở bất cứ ngành nghề nào. 

2. Những hình thức xây dựng thương hiệu cá nhân của CEO

2.1 Sử dụng mạng xã hội

Dưới đây là một số ví dụ về những vị CEO tài năng và nổi tiếng và cách họ đang thực hiện xây dựng thương hiệu cá nhân trên các nền tảng mạng xã hội

Doug McMillon

Tổng giám đốc điều hành của Walmart, thường sử dụng mạng xã hội để đăng các bài viết biểu đạt cảm xúc của mình về các chuyến thăm các cửa hàng thuộc sở hữu của công ty tại khắp đất nước. Ông thường gửi lời khen ngợi đến nhân viên và đăng ảnh gặp gỡ nhân viên, điều này tạo ra giá trị nhân văn và thể hiện sự gần gũi, thân thiện của nhà lãnh đạo đối với nhân viên.

Doug McMillon

Satya Nadella

Tổng giám đốc điều hành của Microsoft sử dụng mạng xã hội để chia sẻ thông tin cập nhật về các vấn đề kinh doanh và tin tức công nghệ trên mạng xã hội, đa dạng hơn còn có các quan điểm về công bằng xã hội, sự bình đẳng… Khi Altman, Tổng giám đốc điều hành của OpenAI - một đối tác quan trọng của Microsoft bị bất ngờ sa thải bởi ban điều hành, Nadella ngay lập tức sử dụng mạng xã hội để bày tỏ quan điểm của công ty. Trong những ngày tiếp theo, Altman được tái tuyển dụng tại OpenAI và ba trong số bốn thành viên còn lại của ban điều hành từ chức. Nadella liên tục đăng thông tin cập nhật về quan điểm của Microsoft và biểu đạt lòng biết ơn đối với nhân viên.

Satya Nadella

Không chỉ có những doanh nhân nổi tiếng trên thế giới đang thực hiện xây dựng thương hiệu cá nhân. Tại Việt Nam, nhiều CEO và nhà quản lý cấp cao cũng đầu tư cho thương hiệu để thu hẹp khoảng cách với công chúng.

Hoàng Nam Tiến

Ông Hoàng Nam Tiến - Phó chủ tịch Hội đồng trường Đại học FPT là một trong những CEO được các bạn trẻ yêu thích hiện nay. Sếp Tiến xuất hiện thường xuyên trên nền tảng Tiktok, thu hút được sự chú ý và yêu mến nhờ những câu chuyện vui vẻ, hài hước, đồng thời cũng là nguồn động lực và cảm hứng thúc đầy các bạn trẻ tiến bộ hơn mỗi ngày. 

Hoàng Nam Tiến

 

2.2 Xuất hiện trên các chương trình truyền hình

Xây dựng thương hiệu cá nhân cho CEO thông qua các chương trình truyền hình là một cách hiệu quả để tăng cường sự nhận biết và uy tín trong công chúng. Khi tham gia các chương trình truyền hình, CEO có thể tận dụng các phần trình bày, phỏng vấn và thảo luận để chia sẻ kiến thức, kinh nghiệm, tầm nhìn,sứ mệnh và giá trị cốt lõi của công ty. 

Sau đây là một số chương trình truyền hình được yêu thích và theo dõi tại Việt Nam có sự xuất hiện của các lãnh đạo cấp cao, CEO ở nhiều lĩnh vực, ngành nghề:

Shark Tank

Shark Tank

Thương vụ bạc tỷ - Shark Tank Việt Nam là một chương trình truyền hình thực tế do Đài Truyền hình Việt Nam sản xuất. Chương trình truyền cảm hứng cho người chơi là doanh nhân khởi nghiệp thuyết phục đầu tư cho dự án kinh doanh của họ. Vị trí của nhà đầu tư - Shark chính là CEO của các tập đoàn, quỹ đầu tư hàng đầu tại Việt Nam. Một trong những yếu tố quan trọng khiến người xem thích thú theo dõi chương trình chính là sự xuất hiện của các Shark. Khi tham gia vào những cuộc thảo luận, đàm phán, CEO thể hiện được tư duy kinh doanh, tính quyết đoán, tài năng chiến lược của người làm lãnh đạo trong các thương vụ. Chương trình không chỉ đem đến cho CEO những deal đầu tư giá trị mà còn là một bước đệm cho họ phát triển thương hiệu cá nhân, kéo gần khoảng cách với công chúng.

Cơ hội cho ai

Cơ hội cho ai

Cơ hội cho ai là chương trình truyền hình hình thực tế về việc làm, đóng vai trò là cầu nối giữa Nhà tuyển dụng và Người lao động với slogan: Tìm việc - Tìm người - Tìm cơ hội đổi đời. Lần đầu tiên, nhà lãnh đạo của các tập đoàn, doanh nghiệp nổi tiếng bậc nhất tại Việt Nam công khai “phỏng vấn” nhân sự và thương lượng mức lương, chế độ đãi ngộ trên sóng truyền hình. Qua những nội dung trao đổi này, khán giả có thể tham khảo được mặt bằng lao động hiện thời để có những định hướng cho bản thân. Ở vị trí các chủ tịch, CEO, việc tham gia vào chương trình thực tế này ngoài mục đích tìm kiếm nhân tài cho doanh nghiệp còn là cơ hội để họ xây dựng và phát triển thương hiệu cá nhân. Sau chương trình, doanh nghiệp vẫn có thể tiếp tục tận dụng danh tiếng này để hưởng lợi trong các chiến dịch tuyển dụng tiếp theo.

2.3 Xây dựng mạng lưới quan hệ

Xây dựng mạng lưới quan hệ là một phương pháp thực tế và thông thái trong việc quảng bá thương hiệu cá nhân của CEO và nhà lãnh đạo cấp cao. Mạng lưới quan hệ rộng rãi giúp tạo ra nhiều cơ hội và mở rộng tầm ảnh hưởng của họ trong quy mô ngành và cộng đồng kinh doanh.

Để xây dựng mạng lưới quan hệ, các giám đốc và nhà lãnh đạo cấp cao thường tham gia vào các sự kiện, hội thảo dưới vai trò diễn giả. Bên cạnh đó, nếu doanh nghiệp và CEO đặt ra mục tiêu đóng góp cho cộng đồng và thế hệ trẻ, việc tham gia vào các cuộc thi cho sinh viên với vị trí Mentor, Ban giám khảo sẽ là một lựa chọn phù hợp.

Việc xây dựng mạng lưới quan hệ cần được thực hiện một cách chủ động và nhất quán. Các giám đốc và nhà lãnh đạo cấp cao nên đầu tư thời gian và nỗ lực để duy trì và phát triển mạng lưới quan hệ của mình. Việc xây dựng một mạng lưới quan hệ rộng rãi không chỉ giúp tăng cường sự nhận thức và uy tín cá nhân, mà còn tạo ra cơ hội kinh doanh và sự phát triển trong sự nghiệp.

3. Những lợi ích của việc biết cách xây dựng thương hiệu cá nhân cho CEO

3.1 Giúp gia tăng tỷ lệ nhận biết thương hiệu

Lợi ích hàng đầu mà doanh nghiệp có thể nhận được từ danh tiếng cá nhân của CEO chính là nâng cao tỷ lệ nhận biết của khách hàng đối với thương hiệu. Theo một nghiên cứu của các giáo sư đại học Công nghệ Kaunas (2020), hình tượng và tính cách của CEO được đồng nhất với thương hiệu doanh nghiệp. CEO như là người đại diện hàng đầu của công ty, bằng cách truyền tải giá trị, tầm nhìn và sứ mệnh của thương hiệu thông qua các hoạt động giao tiếp, phát ngôn sẽ tạo ra nhận diện thương hiệu mạnh mẽ trong tâm trí của khách hàng, đối tác và người tiêu dùng.

3.2 Giúp gia tăng tình yêu & lòng trung thành đối với thương hiệu

Những giá trị mà CEO xây dựng còn có thể chuyển hoá thành tình yêu & lòng trung thành đối với thương hiệu. Sự thu hút và yêu thích đối với CEO cũng là một yếu tố thúc đẩy lòng trung thành đối với thương hiệu. 

Đặc biệt là trong thời đại công nghệ số, việc tích cực hoạt động của CEO trên các nền tảng xã hội để chia sẻ về những câu chuyện, kiến thức và niềm tin đối với thương hiệu sẽ ảnh hưởng tích cực tới người dùng và tạo ra thiện cảm của họ đối với nhãn hàng.

3.3 Giúp tìm kiếm và thu hút nhân tài.

Danh tiếng tích cực của CEO còn đóng góp vào việc gia tăng hiệu quả tuyển dụng của doanh nghiệp. Qua thống kê của Bosslike (2023), 80% ứng viên sẽ thích làm việc tại các doanh nghiệp có CEO xuất hiện trên mạng xã hội hơn. Sự xuất hiện của CEO đồng thời là một cách thể hiện văn hoá của doanh nghiệp có khả năng thu hút nhân tài hiệu quả.

4. Chiến lược xây dựng thương hiệu cá nhân cho CEO 

4.1 Xác định mục tiêu xây dựng thương hiệu cá nhân của CEO

Điều đầu tiên cần thực hiện trong kế hoạch xây dựng thương hiệu cá nhân của CEO chính là xác định rõ ràng mục tiêu của hoạt động này. Thường sẽ xuất phát từ những mục tiêu mang tính cá nhân: Trở thành người ảnh hưởng trong giới, định hướng dư luận, đem lại giá trị hữu ích cho cộng đồng… Tiếp đó là những mục tiêu rộng hơn khi gắn với doanh nghiệp: gia tăng nhận diện thương hiệu, thu hút khách hàng mới, tăng doanh số bán hàng, xây dựng mối quan hệ với khách hàng,... Từ những mục tiêu này, CEO cần xác định loại nội dung phù hợp.

4.2 Xác định giá trị độc đáo

Một điều quan trọng để làm thương hiệu của CEO khác biệt so với những người khác chính là xác định giá trị độc đáo và phân biệt mình so với các đối thủ cạnh tranh. Dưới đây là một số ý tưởng để thực hiện điều này:

  • Kiến thức sâu về ngành: CEO có thể có kiến thức sâu về ngành kinh doanh của mình, bao gồm xu hướng mới, những thay đổi quan trọng và triển vọng tương lai. Việc chia sẻ và truyền đạt kiến thức này sẽ định vị CEO là một chuyên gia trong lĩnh vực của mình.

  • Quan điểm độc đáo: CEO có thể có quan điểm riêng về vấn đề trong ngành hoặc về cách thức kinh doanh. Việc chia sẻ và thể hiện quan điểm này sẽ giúp CEO tạo ra sự khác biệt và thu hút sự quan tâm của công chúng

  • Quan hệ mạng lưới: CEO có thể có một mạng lưới rộng rãi và quan hệ tốt với các nhân tài, đối tác và những người ảnh hưởng trong ngành. Việc tận dụng mạng lưới này và xây dựng quan hệ tốt sẽ giúp CEO xây dựng một thương hiệu cá nhân mạnh mẽ và đáng tin cậy.

  • Kinh nghiệm thành công: CEO có thể có những thành công đáng kể trong quá khứ, bao gồm việc xây dựng và phát triển doanh nghiệp, quản lý các dự án lớn, hoặc đạt được những thành tựu đáng kể trong lĩnh vực kinh doanh. Chia sẻ những kinh nghiệm và thành công này sẽ tạo thêm niềm tin, sự ngưỡng mộ và trao truyền động lực cho thế hệ tiếp theo.

4.4 Xây dựng kế hoạch nội dung và triển khai

Sau khi xác định giá trị độc đáo, CEO cần triển khai các hoạt động để truyền tải thông điệp và xây dựng thương hiệu cá nhân. Có thể tham khảo các bước sau đây:

  • Xác định mục tiêu nội dung: CEO cần xác định mục tiêu của kế hoạch nội dung, ví dụ như tăng cường sự nhận biết thương hiệu, chia sẻ kiến thức và quan điểm, xây dựng mối quan hệ với khách hàng và đối tác, hoặc tạo ra sự tương tác và thảo luận với cộng đồng.

  • Xác định đối tượng khán giả: CEO cần xác định nhóm người mà họ muốn tiếp cận và tương tác thông qua nội dung. Điều này có thể là khách hàng tiềm năng, cộng đồng ngành, nhà đầu tư, hoặc công chúng rộng lớn. Việc hiểu rõ đối tượng khán giả sẽ giúp CEO tạo ra nội dung phù hợp và có giá trị.

  • Lựa chọn các kênh truyền thông: CEO cần xác định các kênh truyền thông phù hợp để triển khai kế hoạch nội dung. Điều này có thể bao gồm việc sử dụng mạng xã hội như LinkedIn, Twitter, Tiktok; tham gia diễn đàn và sự kiện ngành; hoặc góp mặt vào các chương trình truyền hình thực tế. CEO cũng có thể xem xét việc viết blog, xuất bản sách, hoặc tham gia các phương tiện truyền thông để chia sẻ thông điệp của mình.

  • Tạo nội dung chất lượng: CEO cần đảm bảo rằng nội dung được tạo ra là chất lượng cao, mang giá trị và phù hợp với đối tượng khán giả. Nội dung có thể bao gồm bài viết, bài phát biểu, video, hình ảnh, infographics, hoặc bất kỳ hình thức nào phù hợp để truyền tải thông điệp một cách hiệu quả.

  • Theo dõi và đánh giá: CEO cần theo dõi hiệu quả của kế hoạch nội dung bằng cách đo lường sự tương tác, phản hồi của khán giả và sự lan truyền của nội dung. Đánh giá những dữ liệu này sẽ giúp CEO hiểu rõ hơn về hiệu quả của kế hoạch nội dung và điều chỉnh nếu cần thiết.

Kết

Việc xây dựng thương hiệu cá nhân là một hoạt động dài hơi yêu cầu CEO phải kiên trì theo đuổi và đầu tư xây dựng chiến lược, bỏ ra nhiều kiến thức cũng như thời gian quý giá. Tuy nhiên đây sẽ là một hành trình thú vị và hứa hẹn đem đến những lợi ích vô giá đồng thời cho CEO và doanh nghiệp của họ. Vì vậy hãy lên kế hoạch cụ thể và bắt tay thực hiện xây dựng thương hiệu cá nhân ngay hôm nay!

 

Trải nghiệm giải pháp

quản lý và chăm sóc khách hàng toàn diện cho SMEs Việt

Trải nghiệm thử

Hotline 24/7: (024) 6262 7662